Chuyên mục: Tin nông nghiệp
Ngày đăng: 01/04/2016

Hạn mặn kéo dài: lo nhất là nước sinh hoạt, cây ăn trái

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết hạn và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể kéo dài cho đến tháng sáu năm nay. Tình hình này dự báo sẽ không tác động nặng nề thêm đối với sản xuất lúa, nhưng nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho cây ăn trái sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

a853d nuoc

Nếu tình trạng hạn và xâm nhập mặn kéo dài đến tháng 6-2016, số hộ thiếu nước sinh hoạt ở ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng. Trong ảnh là người dân Bến Tre nhận hỗ trợ nước uống và thùng chứa nước ngọt. Ảnh: Trung Chánh

Cụ thể, đối với lúa đông xuân 2015-2016, thống kê của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho thấy tính đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 1,1/1,5 triệu héc ta đã xuống giống, và phần diện tích còn lại cũng đang trong giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch.

Một yếu tố khác, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hoạt động sản xuất lúa vụ hè thu và thu đông 2016 sắp tới không bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn kéo dài, là vì cơ quan này đã có chỉ đạo tuyệt đối không được xuống giống đối với những vùng không chủ động và có đủ nước tưới; chỉ được phép xuống giống ở những nơi đảm bảo nguồn nước ngọt.

Theo đó, đối với các vùng sản xuất lúa phụ thuộc vào nước mưa ở khu vực ven biển, gồm khu vực phía Nam của tỉnh Long An; phía Đông của Tiền Giang; các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre; huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành của Trà Vinh; huyện Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm của Sóc Trăng; huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu; các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng của Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.., chỉ xuống giống khi bắt đầu có mưa và dự kiến vào nửa đầu tháng 6-2016.

Đối với các vùng phía Nam quốc lộ 1A cách biển từ 70 km trở lên, chịu tác động của hạn và xâm nhập mặn thấp như Vĩnh Long, Hậu Giang và phần còn lại của Tiền Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh sẽ xuống giống vào tháng 5-2016.

Riêng đối với vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu do chủ động được nước tưới nên tập trung xuống giống ngay trong tháng 4 và đầu tháng 5-2016, tức ngay khi lúa đông xuân 2015-2016 thu hoạch xong.

Trao đổi thêm với TBKTSG Online, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho rằng khả năng sản xuất lúa bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn của địa phương thời gian tới là rất thấp.

"Chẳng hạn, đối với khu vực phía Đông của chúng tôi (phía Đông của tỉnh Tiền Giang), thì lúa đông xuân cơ bản đã thu hoạch xong. Còn vụ tiếp theo, chúng tôi cũng phải chờ có mưa xuống mới gieo sạ, cho nên làm sao bị thiệt hại được", ông cho biết.

Tuy nhiên, việc bố trí kế hoạch nêu trên để ứng phó với hạn và xâm nhập mặn đã làm lịch thời vụ có sự thay đổi lớn so với mọi năm, cho nên theo Bộ NN-PTNT, sẽ có tổng cộng khoảng 500.000 héc ta, chiếm 30% diện tích của ĐBSCL, bị ảnh hưởng mùa vụ, chứ không phải thiệt hại.

Trong khi đó, đối với nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho cây ăn trái, dự báo tiếp tục khó khăn.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Tiến Đạt, một người chuyên chở nước đi bán cho người dân ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt nơi đây chẳng những chưa có chuyển biến tích cực, mà còn diễn ra nghiêm trọng hơn.

"Nếu như cách đây không lâu, mỗi ngày chỉ 10-15 xe lấy nước đi bán lại, thì nay đã tăng lên 20-25 chiếc rồi", ông cho biết.

Dù hiện tại chưa có con số thống kê mới nhất về số lượng hộ gia đình trong vùng ĐBSCL đang thiếu ngọt sinh hoạt, nhưng với hạn và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng như hiện nay, thì chắc chắn con số sẽ lớn hơn 155.000 hộ đã được Bộ NN-PTNT công bố hồi đầu tháng 3-2016; và dự kiến số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng, nếu hạn và xâm nhập mặn kéo dài cho đến tháng 6-2016.

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết các xã trong huyện hiện đang thống kê thiệt hại về cây ăn trái nên chưa có con số chính thức, nhưng xâm nhập mặn đã vào đến nội đồng, vườn cây ăn trái đã bị ảnh hưởng và có biểu hiện rụng hoa, héo lá.

"Đặc biệt, đối với những hộ sản xuất cây giống, thiệt hại còn nặng hơn và nếu tình trạng này (hạn, mặn) còn kéo dài bao lâu, thì thiệt hại còn lớn đến đó", ông Liêm dự báo.

(Trung Chánh - TBKTSG Online)

info@hoptri.com

(028) 3873 4115
(028) 3873 4116

(028) 3873 4117

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ HỢP TRÍ

Trụ sở chính:
Đường số 8, Lô B14, KCN Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Người đại diện:
ĐẶNG HỒNG HẢI.
Số giấy chứng ĐKKD: 0303015573.

Ngày cấp lần đầu:
08/08/2003, thay đổi lần 22 ngày 23/05/2018. Nơi cấp: Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế Hoạch Đầu Tư TP.HCM.

Chi nhánh Sài Gòn:
80/14 Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3, TP.HCM

Chi nhánh Hà Nội:
130 Lô B4 Khu Đô Thị Mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội

Chi nhánh Campuchia:
#910, Street SOS, Sangkat Phnom Penh Thmei, Khan Sen Sok, Phnom Penh, Cambodia.

hotline2

Theo dõi công ty Hợp Trí tại:

DaThongBao